Phân loại và đặc điểm Rạn_san_hô_vòng

Một số rạn vòng trong Biển Đông

Phân loại

Rạn vòng có thể được chia làm hai loại:

  • Rạn vòng hở: là loại rạn vòng có vụng biển thông với bên ngoài qua nhiều lạch cắt ngang vành san hô.
  • Rạn vòng kín: là loại rạn vòng có vụng biển tách biệt với đại dương bên ngoài nhờ được bao bọc bởi vành san hô khép kín. Tuy nhiên, khi thuỷ triều lên thì vành san hô có thể ngập chìm dưới nước khiến vụng biển thông với bên ngoài.[5]

Đặc điểm

Tương tự các rạn san hô nói chung, hình thái của rạn san hô vòng có thể được phân đới thành một số thành phần chính (từ ngoài vào trong) gồm mặt trước rạn (reef front hay fore-reef, trong đó có sườn dốc hay fore-reef slope), mào rạn (reef crest) và mặt bằng rạn (reef flat, gồm mặt bằng rạn phía ngoài và mặt bằng rạn phía trong.). Bên trong vành san hô là một vùng nước gọi là vụng biển (có tài liệu gọi là đầm nước).

  • Mặt trước rạn: sườn dốc, có thể dốc xuống 4.000 mét dưới mặt biển.[6]
  • Mào rạn: gồm những gờ rộng được bao phủ bởi san hô hay tảo san hô, phát triển mạnh ở hướng có gió của rạn vòng.[6]
  • Mặt bằng rạn: nông cạn, thường rộng từ 100 đến 1.000 m,[6] có thể bị cắt ngang bởi các lạch nước dâng, đáy gồm đá, cát và mảnh vụn san hô.[7]
  • Vụng biển: sâu trung bình 40 m nhưng dao động từ vài mét đến khoảng 150 m. Độ sâu của nhiều rạn vòng phụ thuộc vào đường kính của rạn.[8] Trong vụng biển có thể có các rạn khối (patch reef) phát triển.[9]

Các đảo san hô thuộc rạn vòng nhìn chung là những đảo thấp. Thống kê tại các rạn san hô vòng Thái Bình Dương cho thấy chỉ có dưới 8% số đảo san hô đạt độ cao trên 3 m so với mực nước biển trung bình. Các đảo san hô thuộc rạn vòng hình thành từ các loại trầm tích giàu canxi nguồn gốc từ sinh vật sống ở rạn san hô như san hô, tảo san hô, động vật thân mềmtrùng lỗ.[10]